Thứ bảy, 04/05/2024 - 06:49:51

Online: 41
Lượt truy cập: 4693767
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Nhà đầu tư >> Câu chuyện thành công

Môi trường đầu tư tại Đồng Tháp dưới góc nhìn PCI của doanh nghiệp (17/11/2011)

anhtin

Tập đoàn Hoàng Long được thành lập năm 1999 tại Long An và trở thanh công ty đại chúng vào năm 2009 với mã chứng khoán HLG trên sàn HOSE.

Sau 12 năm hoạt động, Công ty đã đầu tư mở rộng nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh khác nhau tại nhiều địa phương và quốc gia khác nhau, bao gồm: hoạt động kinh doanh taxi với hơn 1.000 đầu xe tại TP.HCM, An Giang, Cần Thơ và Phú Quốc; kinh doanh bất động sản thương mại – dân cư và khu công nghiệp tại TP.HCM và Long An;  kinh doanh nguyên liệu thuốc lá và phân phối thuốc lá điếu tại các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL; kinh doanh phân bón hữu cơ dạng lỏng tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL và Campuchia; sản xuất và kinh doanh thức ăn thủy sản tại các tỉnh Đông Nam Bộ, ĐBSCL và Campuchia; nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu thủy sản (cá tra fillet đông lạnh) đi các thị trường Châu Mỹ, EU, Châu Á và Trung Đông…. Trong năm 2011, doanh số dự kiến của toàn Tập đoàn là 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 110 tỷ đồng.
Trong những lĩnh vực sản xuất – kinh doanh nói trên, hoạt động nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu thủy sản và kinh doanh thức ăn thủy sản được xem là ngành nghề chiến lược và cốt lõi của Tập đoàn Hoàng Long trong 20 năm tới.
Vào cuối năm 2008, chúng tôi đã chọn Đồng Tháp là địa điểm để đầu tư cho ngành nghề này. Việc Khu liên hợp thủy sản Hoàng Long tại Huyện Tam Nông với diện tích gần 64 ha được đưa vào hoạt động vào đầu năm 2010, chỉ 15 tháng sau khi có chủ trương chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh, đã chứng minh rằng: chúng tôi đã đặt niềm tin đúng chỗ và đây chính là miền đất lành để chúng tôi tạo dựng một cơ nghiệp lớn sau nhiều năm ấp ủ.
Để hoàn thành một dự án có tổng giá trị đầu tư gần 550 tỷ đồng trong vòng 15 tháng tại một huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài sự nỗ lực của bản thân chủ đầu tư, chúng tôi còn nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, các Sở, Ban ngành chức năng đến lãnh đạo huyện Tam Nông trong tất cả các thủ tục từ phê duyệt chủ trương, đăng ký kinh doanh, thẩm định thiết kế xây dựng, đền bù – giải phóng mặt bằng, sử dụng cơ sở hạ tầng phục vụ thi công…Điều quan trọng nhất là sự ủng hộ này được thực hiện một cách xuyên suốt từ cấp ban hành chủ trương cho đến người thừa hành triển khai ở cấp cơ sở, rất ít khi gặp phải những trở ngại trái chiều hoặc kéo dài như chúng tôi gặp phải ở một số địa phương khác. Như vậy, sự thống nhất trong quan điểm và tư duy của hệ thống chính trị đã tạo ra sự đồng nhất trong ứng xử và sự minh bạch cần thiết phục vụ cho môi trường kinh doanh. Cụ thể trong trường hợp dự án của chúng tôi, chi phí tiếp cận thị trường và chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước đã được giảm thiểu đi rất nhiều. Do đó, chúng tôi không hề ngạc nhiên khi được biết chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2010 của tỉnh Đồng Tháp xếp hạng 3/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Từ góc nhìn về PCI, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng tỉnh Đồng Tháp không những tận dụng lợi thế cạnh tranh sẵn có về địa lý, tài nguyên và nguồn lao động để thu hút các nhà đầu tư mà quan trọng hơn là đã thể hiện được năng lực tạo ra lợi thế cạnh tranh cho những nhà đầu tư đang và sẽ hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và nông sản, việc liên kết với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn để nhanh chóng đưa các cảng container Sa Đéc và Cao Lãnh đi vào hoạt động là cách tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp về chi phí vận chuyển so với các doanh nghiệp khác ở ĐBSCL. Việc kêu gọi đầu tư vào các dự án mang tính liên kết từ sản xuất và cung cấp phân bón cho người trồng lúa đến xay xát lúa – xuất khẩu gạo – cung cấp phụ phẩm cho các ngành nghề khác như thức ăn gia súc, năng lượng… cho thấy năng lực khai thác lợi thế từ chuỗi giá trị đã được lãnh đạo tỉnh cùng với doanh nghiệp phát huy triệt để. Bên cạnh đó, việc làm tốt công tác quy hoạch ngành và quy hoạch sử dụng đất đã giúp cho việc tiếp cận đất đai của các dự án đầu tư tương đối dễ dàng, hơn thế nữa là sự yên tâm về mức độ ổn định trong sử dụng đất của tỉnh.
Với những lợi thế này, trong năm 2011 Tập đoàn Hoàng Long đã mạnh dạn đề xuất với UBND tỉnh Đồng Tháp được đầu tư mở rộng thêm 50 ha nuôi trồng thủy sản tại huyện Tam Nông, đầu tư 02 nhà máy sản xuất phân bón và xay xát lúa gạo để liên kết với người trồng lúa các huyện Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng, Tháp Mười…, đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng dự án Khu đô thị ven sông Tiền thuộc huyện Hồng Ngự. Đây cũng là những dự án mà Hoàng Long mong muốn tìm kiếm sự hợp tác, liên doanh – liên kết từ các nhà đầu tư khác.
Thông qua Hội nghị này, chúng tôi cũng xin được bày tỏ sự kỳ vọng về sự cải thiện hơn nữa của tỉnh Đồng Tháp trong việc đẩy nhanh và nâng cao chất lượng đào tạo lao động có kỹ năng nhằm phục vụ cho các lĩnh vực đang là thế mạnh của tỉnh như chế biến thủy sản, thực phẩm. Đây là điều kiện cần nhưng cũng là điều kiện đủ để các ngành nghề này duy trì và phát triển bền vững. Theo một số nghiên cứu thì “cải thiện một điểm trong chỉ số Đào tạo lao động giúp tăng 30% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 47% đầu tư bình quân đầu người và 58 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp”. Bên cạnh đó, việc duy trì và tăng cường năng lực hỗ trợ doanh nghiệp một cách xuyên suốt của lãnh đạo các Sở, Ban ngành của tỉnh cũng như cấp huyện là điều cần thiết để giữ vững niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào sự cam kết từ ban đầu của địa phương.
Chúng tôi tin rằng, với tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp những kỳ vọng của chúng tôi sẽ được hiện thực hóa trong thời gian rất sớm.
 (Trích bài phát biểu của Ông Châu Minh Đạt – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoàng Long - TGĐ CTY TNHH MTV Chế biến Thủy Sản Hoàng Long nhân Hội nghị hợp tác xúc tiến đầu tư Đồng Tháp 2011)
 
  • Thời gian nhập: 17/11/2011
  • Số lần xem: 3188