Đồng Tháp nâng tầm vị thế đất sen hồng
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Đồng Tháp đứng ở top đầu, nhưng vẫn phải liên tục vươn lên tầm cao mới, tiếp tục mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tăng trưởng kinh tế gắn với phòng chống dịch
Ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp cho biết, theo phân tích kết quả PCI năm 2020, Đồng Tháp đạt 72,81 điểm (tăng 0,71 điểm so với năm 2019), tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 trên cả nước. Đây là năm thứ 13 liên tiếp, Đồng Tháp nằm trong nhóm 5 và năm thứ 7 liên tiếp nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành phố “có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước”.
Từ kết quả xếp hạng PCI hàng năm cho thấy, Đồng Tháp là địa phương duy nhất trên cả nước có mức độ cải thiện ổn định tăng dần qua các năm. Điều này đã khẳng định vai trò chỉ đạo, năng lực điều hành của các cấp chính quyền tỉnh trong lĩnh vực phát triển kinh tế ngày càng được hoàn thiện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển trong từng giai đoạn. Đây chính là cơ sở để Đồng Tháp vững tin, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, PCI, PAPI (Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công) là những chỉ số quan trọng, là “mạch máu” của nền kinh tế, tạo động lực phát triển nhiều lĩnh vực khác, thể hiện chất lượng điều hành tốt cũng chính là tạo lập thương hiệu địa phương, yêu cầu cả hệ thống phải có sự phấn đấu hơn, phát huy mạnh mẽ hơn. Trong đó, cần sự đồng lòng, quyết tâm và trách nhiệm cao từ các ngành, các cấp; rà soát các chỉ số thành phần, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn. Nếu chủ quan, tự hài lòng thỏa mãn, thì Đồng Tháp sẽ bị tụt lại phía sau.
Bước vào những tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Đồng Tháp quyết tâm vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng ngay từ đầu nhiệm kỳ mới và thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 202 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 30 doanh nghiệp, tăng 17,44% so với cùng kỳ năm 2020), với tổng vốn đăng ký là 1.619 tỷ đồng (quy mô vốn tăng 710 tỷ đồng so với cùng kỳ). Đồng Tháp đã thu hút thêm 10 dự án được chấp thuận chủ trương/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 486,4 tỷ đồng (so với cùng kỳ 2020 là 8 dự án, tổng vốn là 352,4 tỷ đồng), trong đó, có 1 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 93,4 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2021, nguồn vốn được tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án như: Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT); Tiểu dự án nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười; Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng tỉnh Đồng Tháp; kè bờ từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ. Hệ thống đê bao nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ đời sống của người dân thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông cũng được các đơn vị liên quan triển khai nhanh. Đồng thời UBND các huyện, thành phố tập trung thúc đẩy tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thực hiện mục tiêu kép, nhất là trong tình hình hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, mới đây lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp ra chỉ thị tăng cường phòng chống dịch trên địa bàn, nhất là trong các khu công nghiệp (KCN), đồng thời lên phương án ứng phó khẩn cấp cụ thể về phòng chống dịch theo từng cấp độ khi có dịch xảy ra.
Báo cáo với lãnh đạo tỉnh, đại diện các doanh nghiệp thuộc KCN Sa Đéc đã trình bày những giải pháp trong phòng, chống Covid-19. Theo đó, để đảm bảo an toàn, các doanh nghiệp thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến đội ngũ nhân viên, người lao động về thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế. Chú trọng thực hiện theo dõi thường xuyên hoạt động của đội ngũ lao động như đi lại, tiếp xúc và khuyến cáo không nên di chuyển ra khỏi tỉnh; đo thân nhiệt trước khi vào làm việc; chia từng nhóm nhỏ ra làm việc; không tập trung đông người khi không cần thiết... Hàng tuần, các doanh nghiệp cũng cung cấp thuốc uống tăng cường sức đề kháng cho đội ngũ công nhân, người lao động; thường xuyên vệ sinh khử khuẩn các khu làm việc, bếp ăn, nhà ở...
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao sự nghiêm túc của các doanh nghiệp thuộc KCN Sa Đéc trong việc đảm bảo phòng, chống Covid-19, góp phần giúp các đơn vị ổn định sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch; chú ý kiểm soát tốt khâu ra vào của đội ngũ công nhân, người lao động; phương tiện vận chuyển phải thường xuyên được khử khuẩn, chú ý kiểm tra, giám sát chặt chẽ đội ngũ tài xế vì lực lượng này thường xuyên di chuyển nhiều địa bàn xa và tiếp xúc nhiều. Quan trọng hơn hết, phải xây dựng kịch bản ứng phó, diễn tập khi có tình huống bùng phát Covid-19 tại đơn vị.
Tại KCN Sông Hậu, khi kiểm tra một số doanh nghiệp nơi đây, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động phòng ngừa Covid-19 của các đơn vị. Song, để nâng cao hơn hiệu quả phòng, chống dịch, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Bửu yêu cầu các đơn vị cần phải bố trí khu vệ sinh phù hợp chuẩn an toàn, trong đó tăng cường trang bị đầy đủ thiết bị rửa tay, khử khuẩn, thoát nước.
Hiện Đồng Tháp đã đưa 2 đơn vị được Bộ Y tế công nhận đủ năng lực xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR (RT- PCR) là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Tháp) và Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp vào vận hành. Trong đó, CDC Đồng Tháp thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm tầm soát Covid-19 trong cộng đồng. Lãnh đạo tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ mua hóa chất, sinh phẩm làm xét nghiệm, CDC Đồng Tháp sẽ thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của doanh nghiệp. Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Y tế tổng hợp, đề xuất nhu cầu vắc-xin phòng Covid-19 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh gửi Bộ Y tế, Chính phủ về nhu cầu và sự sẵn sàng chi trả của các doanh nghiệp đối với vắc-xin phòng Covid-19.